Thưa quý thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Ai đã từng một lần được đặt chân đến thành cổ Quảng Trị, đến bờ Nam sông Thạch Hãn, nơi có bến thả hoa ngay thành phố Đông Hà sẽ được đọc bài thơ này trên bia đá của nhà thơ – nhà báo Lê Bá Dương:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước - câu thơ đau đáu, ngấn lệ, làm thổn thức trái tim người đọc. Chúng ta nhớ đến cả một thế hệ “Tuổi hoa ra trận”. Những chàng trai mười tám đôi mươi rời ghế trường phổ thông, trường đại học xung trận với khí thế hừng hực “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Hòa trong không khí cả nước tưng bừng hướng về tháng 4 lịch sử với những ngày lễ trọng đại như: kỉ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hướng đến kỉ niệm 70 năm giải phóng Điện Biên. Em xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Đây là cuốn sách nhật kí thời chiến của một chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã đốt cháy lòng biết bao thế hệ…
Khi đó các bạn sẽ thấy trước mắt mình bây giờ không phải là cuốn sách bình thường nữa, không phải là cuốn sách mà là một cuộc đời, một số phận đại diện cho thế hệ thanh niên Việt Nam thời chiến. Các bạn sẽ thấy một trái tim, một tâm hồn của một con người. Cuốn sách đặc biệt mà em giới thiệu ngày hôm nay có một cái tên rất trẻ, tràn đầy sức sống “Mãi mãi tuổi hai mươi”
“Mãi mãi tuổi hai mươi” là cuốn nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc viết từ ngày nhập ngũ tháng 10 năm 1971 đến ngày 24 tháng 5 năm 1972, đây là cuốn nhật kí dày dặn và khá hoàn chỉnh được xuất bản. Nhà thơ – nhà báo Đặng Vương Hưng cùng với việc biên soạn “Những lá thư chiến tranh” đã sưu tầm, giới thiệu tập nhật kí này.
Cũng như bao chàng trai Hà thành năm tháng ấy, chàng sinh viên Nguyễn Văn Thạc đã bỏ lại sau lưng quãng đời sinh viên với nhiều ước mơ hoài bão để khoác lên mình chiếc áo lính, xếp bút nghiên để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc.
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình,
(Những tuổi hai mươi làm sau không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổquốc,
Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em?”
Vậy đấy, thanh niên Việt Nam là thế đấy! Họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, còn là những cô cậu mười tám đôi mươi mang trong mình trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ và bao hoài bão về tương lai. Đất nước đau thương, những cô gái chàng trai ấy sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Và rồi thế hệ trẻ chúng ta ngày nay sống lại những trang sử hào hùng ấy qua những trang văn bất hủ, cảm nhận bằng cả nhịp đập của con tim, qua từng bước chân trên chiến
trường khói lửa hay những phút giây riêng tư của người lính trẻ qua dòng nhật kí chân thực và sinh động đến thế!
Vâng! Mãi mãi tuổi hai mươi – Nhật ký thời chiến của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc do nhà thơ – nhà báo Đặng Vương Hưng sưu tầm và giới thiệu, được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2005, in trên khổ 13x19cm, với 295 trang sách đầy chân thật và sinh động những ngày tháng trong quân ngũ của mình. Trong cuốn sách nhỏ xinh chứa đựng những hình ảnh biết bao đẹp đẽ mà vẫn giản dị và cao cả, mang sức truyền cảm sâu xa đến tâm hồn mỗi người; như những lời tâm sự thân mật, lời nhắn nhủ và cả thức tỉnh mỗi chúng ta về ý chí, nghị lực để làm nên sức mạnh trong học tập, trong mọi hoàn cảnh để chiến đấu - chiến thắng.
Mãi mãi tuổi hai mươi là một cuốn nhật kí đúng nghĩa của chàng trai sinh viên khoa Toán nhưng lại giỏi Văn ở đất Hà thành viết về chuyện đời, chuyện người theo dòng suy nghĩ về những sự kiện trên những miền quê và những chặng đường hành quân đi qua. Cuốn nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã làm nhói lòng biết bao độc giả, giúp thế hệ trẻ như chúng em hiểu rõ hơn về cuộc sống, tâm hồn của những người lính cụ Hồ thời ấy.
Cuốn nhật kí như một thước phim quay chậm, tái hiện đời sống tinh thần phong phú của những người lính thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước cách đây hơn 50 năm về trước. Mỗi chặng đường hành quân, mỗi lần dừng chân nghỉ đều đưa anh đến cuộc sống cách mạng đầy hy sinh, gian khổ, thử thách, thiếu thốn đủ đường nhưng cũng rất đỗi tự hào khi thấy mình sống có trách nhiệm hơn, cho chính bản thân mình, cho quê hương và cho đất nước. Trút bỏ màu áo trắng của tuổi học trò, 28 ngày sau khi nhập ngũ, anh ghi những dòng nhật ký đầu tiên: “Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá, và cũng đột ngột quá.”
Anh đã thay lời của biết bao đồng đội để kể cho thế hệ sau biết về những cuộc chiến tranh đầy gian khổ, đẫm máu và nước mắt, những trải nghiệm của cuộc đời chiến sĩ được anh ghi chép tỉ mẩn, anh vừa là nhân vật chính cũng vừa là người kể lại câu chuyện một cách rõ ràng và chi tiết.
Có thể nói “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc đã ghi chép lại những dòng chân thực nhất những tội ác của kẻ thù đã gây ra cho xóm làng, đồng đội, để rồi làm dấy lên trong trái tim người lính trẻ lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí quyết chiến và quyết thắng: “Bây giờ khát khao, khao khát lớn nhất của ta – cái day dứt nhất trong ta là khi nào được vào miền Nam, vào Huế, vào Sài Gòn – xọc lê vào thỏi tim đen của quân thù”... Hay là cách mở cho tương lai, trong ngày trở lại hoặc không bao giờ. Tôi sẽ gửi về cuốn nhật kí này “khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những điều lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó – xa cuốn nhật kí thân yêu đầu tiên của đời lính…” “Ừ nếu như tôi không trở lại - ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn những dòng vui vẻ đông đúc, đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này”.
Những ước mơ của anh sẽ còn dang dở bởi anh đã để lại “tuổi hai mươi” mãi mãi trên mảnh đất đầy nắng và gió của thành cổ Quảng Trị thân yêu. Anh đã mãi mãi nằm lại bên dòng sông Thạch Hãn nhưng hình ảnh người thanh niên kiên cường ấy vẫn sống mãi trong lòng người đọc, trong trái tim của những con người Việt Nam yêu nước.
Bạn đọc thân mến! Chúng ta hãy đến với “Mãi mãi tuổi hai mươi” để biết thêm những hoài bão của thế hệ trẻ Việt Nam những năm tháng khói lửa của dân tộc. Và hơn thế nữa, hãy đóng góp tuổi trẻ của mình viết tiếp những trang mới – những dòng đông đúc và vui vẻ như lời mong ước của anh, hãy ước ao và viết tiếp những dự định, những ước mơ còn dang dở để hoàn thành những trang nhật kí cuối cùng trong thời bình. Cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc của chúng ta hôm nay được đánh đổi bởi không ít thanh xuân và xương máu của thế hệ cha anh đi trước. Vì vậy, chúng ta phải không ngừng học tập, rèn luyện bản thân, yêu quê hương, phấn đấu trở thành một công dân có ích để góp phần nhỏ bé của mình xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp, giàu mạnh như nhà thơ Tố Hữu từng nhắn nhủ:
Là con chim chiếc lá
Chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Kính thưa quý vị!
Hi vọng với những dòng chia sẻ về nội dung cuốn sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” của em trên đây có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về tác phẩm văn học nhiều ý nghĩa. Cuốn sách quý giá này hiện đang có mặt tại thư viện trường THCS Sơn Trung và các trường khác trong toàn huyện Đức Trọng đang chờ đón các thầy cô và các em cùng đón đọc, suy ngẫm.
Bài giới thiệu “Cuốn sách yêu thích” của em đến đây là kết thúc, một lần nữa em xin chúc quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo và các bạn học sinh lời chúc sức khỏe. Em xin chân thành cảm ơn!